Subscribe to Revolution Church

Người theo dõi

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

Sĩ tử đi ôn môn năng khiếu


Đưa tay lên che miệng để tránh phát ra tiếng ho lớn, Hà ở Thanh Oai, Hà Nội, chạy vội ra khỏi lớp học ôn. Đằng sau, dàn âm thanh trầm bổng của lớp học kể chuyện vẫn ngân lên đều đặn theo sự chỉ huy của cô giáo...

17h chiều, các lớp học ôn thi môn năng khiếu trong trường cao đẳng sư phạm mẫu giáo TW trên đường Hoàng Quốc Việt, đã chật kín người. Lớp học bắt đầu bằng giờ kể chuyện. Nếu không nhìn tấm biển của trường, chắc chắn những người đi đường tưởng đó là các em học sinh lớp một đang ôn bài tập đọc.

"Cáo và Quạ". Cái mồm tròn trịa của cô giáo ngân lên rồi hạ xuống theo đúng cung bậc và sắc thái tình cảm. "Cáo" gian ác thì hơi cao giọng và có vẻ sắc sảo còn "Quạ" ngốc nghếch thì hạ giọng xuống và "tròn vành rõ chữ". Cứ thế, cô đứng trên bục ra hiệu cho học sinh thực hành khoảng 3 lần nguyên tên câu chuyện đến khi nào giống y như cô nói mới thôi. Câu chuyện kể về hai nhân vật chính, "Cáo và Quạ", và muốn phê phán thói ưa xu nịnh. Bằng sự tinh ranh của mình, Cáo đã cướp được miếng thịt của Quạ. Câu chuyện dành để kể cho các em mẫu giáo nên yêu cầu phải thể hiện sinh động và nhí nhảnh lời thoại cũng như tâm trạng nhân vật.

Đến đoạn Cáo khen chiếc áo mới của Quạ, cô giáo yêu cầu học sinh dùng điệu bộ để minh họa cho lời kể. Lớp có chừng 45 đến 50 học sinh thì từng ấy cái đầu cúi xuống ra bộ chào thật. Từng cánh tay đưa lên đều tăm tắp, khuôn mặt tươi vui hớn hở như đang khen người trước mặt là Quạ có chiếc áo mới thật đẹp. Đọc tới đâu, học sinh làm điệu bộ theo cô giáo đến đó. Chỗ nào chưa đều, cô ngắt lời, yêu cầu các em làm lại, tất cả lại đồng thanh đọc đi đọc lại.

Hành trang của học sinh nào cũng có thêm một chai nước. Thỉnh thoảng cô ngừng khoảng vài phút để chuyển sang đề tài khác, cả lớp lại đồng loạt tu nước và hắng giọng. Chạy vội ra ngoài, Hà (Thanh Oai, Hà Nội) tiến thẳng tới bãi gửi xe ra về để... dưỡng sức.

Hà cho biết, thi vào khoa mầm non, chỉ cần nói dẻo với trẻ, biết hát, múa một chút thì kiểu gì cũng đỗ.

"Do chưa quen nên cổ họng em khô rát, rất khó chịu. Vừa đi học ôn năng khiếu được vài buổi, giọng em đã khản đặc. Hôm nào đi học về em cũng phải ngậm nước chanh, nếu không, đến ngày thi, nói không ra tiếng thì nguy", vừa nói, Hà vừa đưa chai nước lên tu ừng ực. Hà cho biết, học phí các môn năng khiếu thường đắt hơn các môn văn hóa bình thường, 540 nghìn đồng cho 22 buổi học đọc, kể và hát. Thông thường, những thí sinh thi khối có môn năng khiếu như H và M, sau khi biết chắc đỗ tốt nghiệp mới khăn gói đi ôn.

Chia sẻ chút kinh nghiệm bản thân, nữ sinh Thanh Oai chia sẻ: "Không giống với ôn kiểu lò luyện như những môn văn hóa bình thường, phải về nhà làm nhiều bài tập mới nhớ hết các dạng bài, học môn hát, kể truyện không cần thiết phải như vậy. Trên lớp, thấy cô lên giọng ở chỗ này, nhấn nhá ở chỗ kia thì đánh dấu vào rồi bắt chước theo. Chỉ cần biết nói dẻo với trẻ, biết hát một chút thì học rất nhàn".

Đăng ký thi khối M gồm toán, văn và hai môn năng khiếu, Hà hí hửng khoe mình ôn nhẹ nhàng hơn so với lũ bạn. Trong khi bạn bè phải nai lưng ra học văn, toán, Hà chỉ việc ở nhà ôn luyện sao cho hát hay, kể truyện truyền cảm để được điểm 10, hai môn còn lại chỉ cần "làng nhàng" là đã cầm chắc khả năng thi đỗ. Vì vậy, theo cô, không cần thiết phải ôn luyện từ trước, gần đến ngày thi, đi ôn cho nhớ.

Khác với hát, kể truyện diễn cảm, môn vẽ lại đòi hỏi người học có năng khiếu thực sự và đầu tư nhiều thời gian luyện tập. Xác định học ngành trang trí nội thất, Nhật (Phú Thọ) mon men làm quen với các lớp học vẽ ngay từ khi mới học lớp 10. Đam mê truyện tranh khiến cậu thư sinh này sớm bắt chước và hình thành nét vẽ trong đầu. Xuống Hà Nội luyện thi cấp tốc, Nhật theo học một thầy giáo ở gần trường đại học Mỹ thuật. Lớp học chỉ có khoảng chưa đầy 10 người, có hôm chỉ 3 đến 4 học sinh đi học.

Các học sinh đi ôn phải trả 40 nghìn cho một buổi học vẽ.

Căn phòng trên tầng ba của lò luyện vẽ chỉ rộng chừng 15m2, bốn cô cậu học sinh đang hì hụi tô tô, vẽ vẽ. Đang say sưa ra đề cho học trò, thày giáo nhận được điện thoại gọi vào trường chấm bài thi cuối kỳ cho sinh viên. Dặn dò qua loa vài câu, thày vội "chạy show" và không quên nói với lại rủ xem có nữ sinh nào muốn đi vào trường chấm bài cùng thầy không. Lớp học tiếp tục rôm rả với những câu chuyện trên trời dưới biển như lúc thày vẫn còn ở đó.

Từ hôm nhập học tới giờ, Nhật chưa hoàn thiện được bài tập nào vì cậu chỉ đi học theo cảm hứng. Sĩ tử này cho biết, mỗi buổi học có giá 40 nghìn, học viên ôn thi có thể đến vào bất cứ buổi nào trong ngày. Ai thích học thì học, đến sớm cũng được và đến muộn cũng chẳng sao, không lo bị các bạn học trước chương trình và bị tranh chỗ. Nhật kể: "Thày giao đề bài rồi đảo qua lớp vẽ tượng ở tầng 1, ghé lớp vẽ người ở tầng 2, chạy qua lớp vẽ màu ở tầng 3 rồi leo lên giải đáp những thắc mắc của học sinh trên tum. Có khi cả buổi chẳng thấy thày đâu để hỏi, tìm mãi hóa ra thày đang bận giải quyết việc riêng".

Nhắc đến ca học văn buổi chiều dưới cái nắng gay gắt, Nhật lắc đầu ngao ngán: "Đang ngồi ở đây mát mẻ, chiều đến lò học văn phải tranh chỗ. Có khi em nhờ đứa bạn đi ôn cùng ghi âm bằng điện thoại, tối về chép lại vào vở thôi".


Theo Ngôi sao

110MB Free Hosting Network

0 comments:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» không dung tục, không spam.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.
» Có thể sử dụng các thẻ <b>,<i>,<a>.

 

giấy phép cấp ngày : sắp nhận.

® Ghi rõ nguồn "Barabasova" khi phát hành lại thông tin từ website này.